Ý nghĩa của khay mứt Tết
Mứt là một trong các đồ ăn ngọt đại diện cho ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Vào những dịp đầu xuân, hương vị thơm ngon, ngọt ngào đặc sắc từ các loại mứt Tết sẽ là phương tiện tuyệt vời giúp mọi người gắn kết nhau trên bàn tiệc.
Hơn nữa, mỗi loại mứt Tết khác nhau đều sẽ mang những tầng ý nghĩa sâu sắc đặc trưng khác nhau. Bên cạnh đó, một số người còn quan niệm việc bày biện mứt Tết sẽ hỗ trợ phong thủy về mặt may mắn, tài lộc và sự cát tường cho gia chủ. Chính vì thế, hầu như tất cả các gia đình Việt Nam đều sẽ trưng bày mứt Tết như một thông tục đầu năm.
Các loại mứt Tết Việt Nam phổ biến
Cùng Cleanipedia điểm qua một số loại mứt trong khay mứt Tết Việt Nam phổ biến hiện nay nhé:
- ✦
Hạt dưa đỏ
Bởi vì biểu trưng cho niềm vui và sự may mắn nên hạt dưa đỏ thường được trưng dụng mỗi khi Tết đến. Người ta tin rằng, sắc đỏ từ hạt dưa là một biểu tượng hiện hữu nhất cho điềm may, tài lộc và sự cát tường vào đầu năm mới. Chưa dừng lại ở đó, món ăn vui miệng này còn vô cùng giàu dinh dưỡng, chứa nhiều: protein, glucid, lipid, canxi, sắt, kẽm, phốt pho, selen và vitamin (vitamin B1, B2, E, PP), hỗ trợ tuyệt vời cho sức khỏe người dùng một cách hữu hiệu, giúp tăng cường trí nhớ, cải thiện thần kinh (chức năng não), cung cấp sức khỏe cho cơ bắp,… .
- ✦
Hạt sen
Ngoài việc đại diện cho sự sum họp và đoàn viên, mứt sen còn mang hương vị độc đáo đi kèm cùng độ bổ dưỡng vượt trội (chứa 70% tinh bột và một số chất như arginin, asparagin, trigonellin, glucoze, tyrosin, các loại vitamin như A, B, C,…). Do đó, mứt sen nhất nhất là món ăn không thể thiếu trong khay mứt Tết của mỗi gia đình dịp đầu năm.
- ✦
Mứt dừa
Đây là một trong những loại đồ ngọt quen thuộc có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu tại Việt Nam. Món ăn này đặc biệt nhận được sự ưa thích vượt trội từ cộng đồng người yêu thích các món ăn vặt bởi hương thơm béo, bùi, ngọt thanh và độ dai sần sật vừa phải. Loại mứt Tết này mang một một năng lượng thân thiện và gần gũi nên đại diện cho sự thắt chặt tình cảm ấm áp của các mối quan hệ với nhau.
- ✦
Mứt gừng
Mang một nét đẹp ấm áp, nồng hậu và hạnh phúc, mứt gừng đại diện cho một loại mứt Tết vừa sở hữu ý nghĩa tuyệt vời, vừa có tác dụng làm ấm cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa (giải độc, chống buồn nôn, đau/trướng bụng do chế độ ăn,…). Vậy nên, rất nhiều người dùng ưu ái lựa chọn loại mứt này cho khay mứt Tết nhà mình.
- ✦
Mứt bí
Vì thuộc loại cây lương thực thực phẩm chính của nền nông nghiệp Việt Nam nên mứt bí là biểu trưng cho sự mong cầu sự ấm no cả một năm mới thật vẹn toàn. Không chỉ có vị ngon, giòn và bùi, bắt miệng, mứt bí còn mang đến công dụng thanh nhiệt cơ thể, hỗ trợ lợi tiểu, tiêu độc và giải khát.
- ✦
Mứt quất/tắc
Cây quất thường được trưng bày trong nhà vào ngày Tết, bởi lẽ đó mà mứt quất hoàng kim cũng là một loại mứt Tết được yêu thích trong những ngày xuân về. Người ta thường chưng cây quất và mứt quốc trong những ngày Tết là để mong cầu cho một năm làm ăn thịnh vượng, may mắn, rực rỡ, khởi sắc và phát tài.
Bên cạnh một số loại mứt Tết quen thuộc thường được trưng bày dịp đầu năm; Bạn còn có thể bổ sung vào mâm cỗ trưng bày của gia đình mình hoặc làm quà biếu trao tặng người thân, bạn bè các loại mứt Tết thanh ngọt, độc đáo và mới lạ khác như: mứt me, mứt cà chua, mứt hoa hồng, mứt khoai lang, mứt cóc, mứt củ năng, mứt chuối, mứt cà rốt,….
Cách tự làm và chuẩn bị khay mứt ý nghĩa đón Tết
Cách làm mứt gừng đơn giản cho đầu xuân ấm áp:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- ✦
400g gừng tươi
- ✦
1/4 trái thơm
- ✦
300g đường trắng
- ✦
1 muỗng cà phê nước cốt chanh
Cách thực hiện:
- ✦
Bước 1: Gọt sạch vỏ gừng, thái sợi, rửa sạch với nước và ngâm vào nước muối pha loãng trong 5 phút rồi vớt ra
- ✦
Bước 2: Cắt hạt lựu phần dứa đã chuẩn bị sẵn
- ✦
Bước 3: Đun nước sôi rồi hòa với một muỗng cà phê nước cốt chanh. Sau đó cho gừng vào luộc 3-4 phút rồi vớt ra ngâm trong nước lạnh trong 10 phút và để ráo
- ✦
Bước 4: Trộn gừng, thơm và đường thật đều sau đó ướp trong vòng 2 tiếng cho thấm vị
- ✦
Bước 5: Cho hỗn hợp mứt vừa trộn vào chảo nóng, vặn lửa to và đảo đều cho đến khi sôi thì hạ lửa nhỏ (lửa riu riu) Lưu ý: cứ mỗi 3-5 phút nên đảo 1 lần cho đến khi nước đường sệt lại thì tắt bếp là bạn đã hoàn tất công đoạn làm mứt gừng ngày Tết rồi đấy nhé!
Để tự chuẩn bị một khay mứt đón Tết thật ý nghĩa, bạn cần nắm vững được “công thức” sở hữu khay mứt Tết truyền thống cơ bản của người Việt Nam, bao gồm: hạt dưa, mứt sen, mứt quất, mứt gừng, mứt dừa và mứt bí.
Tổng cộng 6 loại mứt Tết này sẽ tượng trưng cho các hương vị chua, ngọt, cay, bùi của cuộc sống và khí trời bốn mùa quanh năm. Ngoài ra, việc trưng bày khay mứt với đa dạng các loại mứt Tết còn thể hiện sự ước mơ thịnh vượng, phú quý và mong muốn no ấm, đủ đầy của gia chủ cho một năm mới đầy thuận lợi.
Mong rằng những chia sẻ của Cleanipedia trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa của khay mứt Tết để có thể chuẩn bị dần cho ngày Tết 2024 sắp cận kề bạn nhé!
>> Xem thêm:
- ✦
Mua sắm ngày Tết với 4 món hàng
- ✦
Xử lý quần áo đẹp mặc Tết bị dính màu bánh mứt
Tác giả: Team Cleanipedia
Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo