Mắt cũng cần có lịch khám đều đặn, dù không cần quá thường xuyên. Điều này giúp phát hiện sớm các bệnh lý, làm chậm quá trình lão hóa mắt. Vậy mùa lạnh nên ăn gì để tốt cho mắt?
Thức ăn chứa nhiều vitamin A
Cơ thể thiếu vitamin A sẽ sinh ra chứng quáng gà, có khi nặng đến mức không nhìn rõ được khi trời mờ tối. Thiếu vitamin A cũng dẫn đến bệnh khô mắt. Chất này có nhiều trong gan động vật, sữa bò, sữa cừu, sữa dê, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá…
Thực phẩm chứa nhiều caroten
Caroten có trong các loại rau cải xanh, cải trắng, rau chân vịt (rau sam), cải dầu, đậu xanh, bí đỏ, cà chua, cà rốt, táo, khoai lang, bí, đu đủ, đặc biệt là gấc… Sau khi ăn, cơ thể hấp thu caroten rồi chuyển hóa thành Vitamin A. Hiện nay đã có nang gấc của tân dược trong nước sản xuất.
Thức ăn giàu vitamin B1 và Niacin
Thiếu vitamin B1 sẽ gây viêm dây thần kinh, nhất là thần kinh thị giác, xuất huyết võng mạc, làm giảm thị lực nhanh chóng… Thiếu Niaxin sẽ gây ra rung giật nhãn cầu làm yếu thị giác… Thức ăn chứa nhiều vitamin B1 và Niaxin là các loại đậu, thịt nạc, lạc, gạo lứt (tức gạo bóc vỏ trấu không giã), các loại rau lá xanh, đậu xanh, táo, ngô…
Thực phẩm giàu vitamin B2
Vitamin B2 đảm bảo cho võng mạc và giác mạc chuyển hóa được bình thường. Việc thiếu chất này sẽ gây chảy nước mắt, mắt đỏ, ngứa, viêm bờ mi, viêm giác mạc, đục thủy tinh thể. Vitamin B2 có nhiều trong nội tạng động vật như cừu, thịt nạc, sữa bò, trứng các loại, các loại đậu và rau lá xanh…
Thức ăn chứa nhiều crom
Thiếu crom có liên quan đến sự hình thành chứng cận thị, vì sẽ kích thích làm nhãn cầu lồi ra. Nguồn thức ăn chủ yếu có crom là men bia, rượu, gan động vật, thịt bò, bột mì thô, gạo lứt, đường đỏ, nước nho, nấm các loại…
Thực phẩm chứa nhiều canxi
Thiếu canci dễ dẫn đến sụt giảm khả năng đàn hồi của củng mạc, làm cho nhãn cầu bị giãn và phát triển thành cận thị. Những thức ăn chứa nhiều canxi là tôm, cua, moi biển, rau câu, tương, vừng, đậu tương, bơ, lòng đỏ trứng và các loại cá…
Thực phẩm giàu selen
Selen có liên quan đến độ nhanh nhạy của thị lực. Các nghiên cứu cho thấy, việc mỗi ngày đưa vào cơ thể một lượng selen nhất định từ ăn uống sẽ làm giảm nguy cơ cận thị và cả các bệnh về mắt khác. Những thực phẩm chứa nhiều selen bao gồm cá, tôm, các loại sò, hến, các món ăn bằng bột mì, gạo lứt, đậu tương, vừng, ớt, tỏi, hành tây, nấm các loại, rau mã thầy, cà rốt…
Thức ăn giàu phốt-pho
Phốt-pho đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì độ dẻo dai của củng mạc. Những thức ăn có chứa nhiều phốt-pho là cá, tôm, sò biển, sữa, táo đỏ, rau câu…
Khám kiểm tra mắt
Trong khoảng 20-30 tuổi, nên khám mắt 1 lần; từ 30 đến 40 tuổi nên khám mắt 2 lần. Việc khám mắt định kỳ giúp phát hiện triệu chứng sớm của các bệnh như glaucoma, điểm đen võng mạc (sự lão hóa khiến mắt giảm thị lực). Nếu được phát hiện kịp thời, những chứng bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được.
Sau 40 tuổi, nên kiểm tra mắt định kỳ 2-4 năm; trên 65 tuổi nên khám mắt 2 năm/lần. Người bị bệnh tiểu đường hoặc gia đình có tiền sử bệnh án về mắt thì nên khám định kỳ theo chỉ định của bác sỹ.
Chống nắng cho mắt
Kính mát không chỉ giúp bạn phòng tránh vết chân chim do phải nheo mắt quá nhiều mà còn ngăn chặn đục nhân mắt hoặc điểm đen võng mạc do tia cực tím. Nên sử dụng kính mát vào bất cứ khi nào ra đường chứ không chỉ trong mùa hè. Đặc biệt là ở những vùng có ánh sáng chói gắt.
Nên dùng loại kính tốt, mắt kính được làm bằng chất liệu chuyên biệt và có độ chống nắng 100%. Theo các chuyên gia nhãn khoa, những tia sóng màu xanh lam và màu tím là có hại nhất đối với võng mạc. Và kính có màu hổ phách, vàng cam hoặc nâu đặc biệt có hiệu quả trong việc ngăn chặn các tia này.
Đeo kính bảo hộ
Những người làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với bụi và những mảnh nhỏ, cứng, dễ bay phải sử dụng kính bảo vệ mắt. Thậm chí ngay cả khi làm các việc vặt trong nhà như treo tranh, sơn tường hoặc sơn móng tay, bạn cũng cần đeo kính bảo hộ.
Dùng kính sát tròng đúng cách
Nên có 2 đôi kính sát tròng để sử dụng luân phiên trong những trường hợp bắt buộc như nhiễm trùng mắt. Nếu không, các viêm nhiễm nhẹ có thể thành nặng. Nên kiểm tra hạn sử dụng của dung dịch mắt kính thường xuyên để đảm bảo vệ sinh.
Bổ sung dưỡng chất cho mắt
Nhiều người nghĩ rằng chỉ vitamin A mới cần thiết cho mắt. Thực ra, mắt còn cần lutein để giúp phòng tránh điểm đen võng mạc. Chất này có nhiều trong các loại rau lá xanh, đặc biệt là cải xanh, bó xôi. Ngoài ra, bạn còn rất cần tăng cường axit béo omega 3 để giúp phòng tránh khô mắt.
“Thay nhớt” cho mắt
Xung quanh mi mắt luôn có một lượng dầu nhất định để bôi trơn. Nó giúp cho mắt giữ được nước nên không bị khô. Do tác động của quá trình lão hóa, mắt chúng ta sẽ ngày càng khô hơn do màng nước mắt không đủ nước, chất nhờn và dầu. Hậu quả là xuất hiện thêm nhiều tuyến lệ và chúng ta bị chảy nước mắt liên tục. Axit béo omega 3 có thể “xử lý” vấn đề này dễ dàng.
Ngoài ra, sức nóng và hơi gió cũng có thể gây khô mắt. Đặc biệt là khi bạn ngồi gần quạt thông gió, máy điều hòa… Tốt nhất bạn nên tránh để luồng gió thổi trực tiếp vào mặt.
Đừng hút thuốc
Thuốc lá làm tăng nguy cơ và đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của bệnh đục nhân mắt; bệnh điểm đen võng mạc và phá hủy hệ thần kinh thị giác. Liệu chừng đó đã đủ để bạn từ bỏ thói quen hút thuốc của mình chưa?
Thư giãn
Bất kỳ công việc nào đòi hỏi sự tập trung cao độ cũng sẽ khiến mắt bạn mệt mỏi. Và đương nhiên, những công việc liên quan nhiều đến máy tính là mối nguy hại hàng đầu đối với đôi mắt.
Vì thế, bạn nên thường xuyên nghỉ giải lao và thay đổi hướng nhìn liên tục. Ngoài ra, thuốc nhỏ mắt (không phải để chữa bệnh) sẽ giúp bạn bôi trơn mắt, khiến mắt đỡ mỏi.
Sống khỏe và sinh hoạt điều độ
Việc vận động cơ thể, thực hiện đều đặn các bài tập thể dục sẽ khiến vòng tuần hoàn máu trong cơ thể được thúc đẩy và giảm áp lực lên mắt.
Thầy thuốc Việt Nam tổng hợp