Theo BS Hiền, các cầu thủ là những người phải tập luyện vô cùng vất vả nên cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đủ năng lượng nhưng đồng thời cũng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo đó, chế độ ăn của các cầu thủ được chia thành từng giai đoạn: trước, trong và sau tập luyện. Tuy nhiên, tất cả các giai đoạn đều phải tuân theo nguyên tắc như sau:
Phải luôn đủ năng lượng
BS Hiền cho biết, trong môn bóng đá thì năng lượng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe các cầu thủ. Bóng đá đặc biệt vì nó là môn tập thể, gồm rất nhiều người, có 3 tuyến là tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ. Kích cỡ người các cầu thủ khác nhau, tiêu tốn năng lượng khác nhau nên phải xây dựng chế độ ăn cho mỗi cầu thủ khác nhau.
Ngoài ra, đối với môn thể thao khác, vận động viên có thể không cần phải tập luyện đủ 12 tháng nhưng bóng đá thì phải tập đủ. Về dinh dưỡng, tập luyện trước, trong và sau thi đấu cũng khác nhau.
Về cơ bản trước và sau trận đấu, dinh dưỡng giống nhau. Tóm lại, dù bất kỳ quá trình nào cũng đòi hỏi cầu thủ phải đủ năng lượng. Cụ thể, trong chế độ ăn uống của các cầu thủ gồm bao gồm: Tinh bột, protein, vitamin, chất khoáng và nước.
Các cầu thủ U23 Việt Nam đã thể hiện 1 sức khỏe sung mãn, dẻo dai trong giải U23 châu Á
Tinh bột phải đảm bảo từ 60-70%
Tinh bột là nguồn năng lượng chủ yếu cho các cầu thủ (chiếm 60-70%) để đảm bảo thể lực nên cần phải có dưỡng chất này trong khẩu phần ăn hằng ngày. Các loại thực phẩm chứa tinh bột mà cầu thủ thường ăn đó là khoai tây, bánh mì, hạt ngũ cốc, gạo, mì ống…
Đủ protein
Chất đạm (protein) giúp tăng sức mạnh cơ bắp cũng như sự dẻo dai của cơ thể. Do đó, nếu muốn giữ phong độ trên sân bóng thì trong chế độ ăn uống của các cầu thủ cần có protein.
Canxi
Các cầu thủ cần canxi – một dưỡng chất cần thiết cho hệ xương vì tỷ lệ chấn thương thường tương đối cao. Cầu thủ bổ sung canxi qua các thực phẩm như sữa ít béo, sữa chua, phô mai, đậu hũ, thịt gà, cá…
Vitamin và khoáng chất
Ở Việt Nam, các cầu thủ thường thiếu vitamin do ăn không đủ. Vì vậy, họ phải bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể; Tăng cường rau củ, trái cây tươi là không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Ngoài ra, vận động viên còn cần bổ sung vitamin A qua khoai lang, cà rốt, xoài, cải xoăn cùng vitamin C trong kiwi, đu đủ, dâu tây… để đảm bảo thể lực cũng như sức khỏe luôn trong tình trạng tốt.
Nước uống
Những cầu thủ thường xuyên luyện tập hay thi đấu thường đổ rất nhiều mồ hôi do hoạt động thể lực trên sân. Do đó, các cầu thủ được bổ sung lại lượng nước cần thiết cho cơ thể để tránh tình trạng mất nước. Bác sĩ phải dựa vào tỉ lệ cân nặng để tính lượng mồ hôi mất đi của từng cầu thủ để bổ sung cho phù hợp.
Quan sát nước tiểu thường xuyên
Để biết cơ thể có được cung cấp đủ nước hay không thì thường cần dựa vào màu của nước tiểu vào các buổi sáng. Nếu nước tiểu có màu nhạt thì đã đủ nước, nếu có màu vàng càng đậm thì cần bổ sung nước ngay để không bị mất sức khi tập luyện.
Theo Dantri