Đối với những bệnh nhân suy thận, chế độ ăn uống đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh và làm chậm hoặc ngăn ngừa những diễn biến nặng hơn của bệnh. Việc có một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên tắc chung trong xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người suy thận
Chế độ ăn hợp lý đối với bệnh nhân suy thận là chế độ ăn mà hạn chế được sự tăng ure máu và làm chậm bước tiến của quá trình suy thận. Tuy nhiên tùy vào từng giai đoạn cũng như cụ thể trên từng bệnh nhân thì sẽ có những lưu ý riêng về chế độ dinh dưỡng. Chế độ ăn của người suy thận sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc:
- Hạn chế đạm (Protein) trong khẩu phần ăn, thay vào đó dùng các protein có giá trị sinh học cao nghĩa là cung cấp đủ acid amin cơ bản cần thiết cho cơ thể và tỷ lệ hấp thu cao. Chế độ ăn ít đạm sẽ làm giảm gánh nặng cho quá trình đào thải acid, ure và các nito protein khác cho thận và giảm quá trình xơ hóa cầu thận do đó sẽ hạn chế sự gia tăng ure máu.
- Giàu năng lượng, đảm bảo cung cấp đủ các nhu cầu về dinh dưỡng và hạn chế quá trình giáng hóa protein trong cơ thể.
- Cung cấp đủ vitamin, các yếu tố vi lượng, yếu tố chống thiếu máu.
- Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, đủ calci, ít phosphat.
Người bị suy thận nên ăn gì?
Các chất bột ít đạm
Người bị suy thận nên ăn các chất bột ít đạm như gạo xay trắng, bột sắn dây, miến, khoai lang, khoai sọ, bún, hủ tíu, phở…
Thực phẩm có chỉ số đường thấp
Những bệnh nhân suy thận kèm tiểu đường nên chọn thực phẩm có chỉ số đường thấp như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang…
Thực phẩm có giá trị đạm sinh học cao
Nên ăn đa dạng, chú ý các loại thực phẩm đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá, sữa, trứng. Nếu bị kèm rối loạn mỡ máu, bệnh nhân chỉ nên ăn 3 quả trứng/tuần, ăn cách ngày; ăn thịt bò 1-2 lần/tuần; ăn cá biển 2 lần/tuần. Người bệnh nên chọn các loại sữa ít đường. Bệnh nhân suy thận chưa chạy thận nhân tạo nên chọn dầu thực vật như dầu mè, đậu nành, oliu… mỡ cá để bổ sung chất béo.
Các loại rau
Người bệnh có thể ăn đa dạng rau, trái cây có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, tím… ở giai đoạn bệnh còn nhẹ. Nếu bệnh nhân bị kèm tiểu đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp, trung bình như táo tây, cam, quýt, bưởi… với số lượng tùy mức kali máu.