Ngộ độc thực phẩm là một trong những bệnh lý thường gặp… Phần lớn những trường hợp ngộ độc nhẹ đều tự khỏi hoặc có thể điều trị tại nhà. Dưới đây là những cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà an toàn và hiệu quả
1. Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà
Ngộ độc thực phẩm (hay còn gọi là trúng thực) là bệnh thường xảy ra do ăn, uống thức ăn nhiễm độc, nhiễm khuẩn, biến chất, ôi thiu, hoặc thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia, độc tố,…
Ngộ độc thực phẩm được chia làm 2 loại là ngộ độc cấp tính và ngộ độc mạn tính. Khi bị ngộ độc cấp tính sẽ gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, gây ra hiện tượng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều, mất nước, bí tiểu hoặc có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Đối với ngộ độc mãn tính có thể gây ung thư, rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, dị tật thai.
Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm cấp tính có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ, thậm chí 1-2 ngày sau khi người dùng ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Có khá nhiều cách chữa ngộ độc tại nhà giúp kịp thời loại bỏ yếu tố gây ngộ độc, phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm
1.1. Trị ngộ độc thực phẩm bằng cách gây nôn
Nếu có các biểu hiện ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn thức ăn gây ngộ độc trước 6 tiếng thì cần làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào, giúp loại bỏ thực phẩm nhiễm độc ra khỏi cơ thể. Gây nôn là cách trị ngộ độc thực phẩm tại nhà áp dụng khi người bệnh có biểu hiện muốn ói sau khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo hoặc người còn tỉnh táo.
Có thể gây nôn bằng cách: Dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối pha loãng (0,9%) hoặc uống đầy nước rồi dùng ngón trỏ móc, ngoáy (còn gọi là móc họng) vào vị trí góc cuống lưỡi gần họng nhằm kích thích cảm giác nôn. Người bị ngộ độc thực phẩm cần nôn hết những thức ăn đã ăn vào, nôn được càng nhiều càng tốt. Điều này giúp hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.
1.2. Bổ sung nước – điện giải hỗ trợ điều trị ngộ độc thực phẩm
Nôn và đi ngoài nhiều lần khiến người bệnh dễ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành cho người bệnh uống nhiều nước lọc, Oresol hoặc nước gạo rang để bù nước và đề phòng mất nước cho người ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là 1 trong những cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà hiệu quả.
Khi sử dụng dung dịch Oresol để trị ngộ độc thực phẩm, người hỗ trợ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, pha đúng theo liều lượng chỉ định, và cho người bị ngộ độc thực phẩm sử dụng trong 24 tiếng, không đun sôi dung dịch…
1.3. Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý
Người bệnh khi chữa ngộ độc thức ăn tại nhà cần được nghỉ ngơi cho đến khi hồi phục lại thể trạng. Để sức khỏe hồi phục được nhanh cũng như không ảnh hưởng hệ tiêu hóa, hãy ăn những thức ăn nhẹ nhàng cho dạ dày và đường tiêu hóa. Bạn nên ăn những thực phẩm nhạt nhẽo, ít chất béo, ít chất xơ. Bởi chất béo khiến dạ dày khó tiêu hóa hơn, đặc biệt là khi bạn khó chịu. Những thực phẩm nhẹ nhàng cho dạ dày ví dụ như: Chuối, ngũ cốc, lòng trắng trứng, cháo bột yến mạch, cơm, nước muối,…
Cháo yến mạch bổ sung chất dinh dưỡng giúp ổn định đường ruột
1.4. Người ngộ độc thực phẩm nên uống thuốc gì?
- Smecta
Bệnh nhân tiêu chảy quá nhiều lần có thể sử dụng thêm 1 – 3 gói Smecta/ngày. Smecta có tác dụng điều trị các triệu chứng của tiêu chảy cấp và mạn, bổ sung nước và điện giải cho cơ thể, giảm đau do rối loạn thực quản – dạ dày – ruột.
- Sorbitol
Người bệnh bị ngộ độc thực phẩm có thể uống thuốc xổ Sorbitol để tăng thải độc chất ra khỏi cơ thể. Thuốc phát huy tác dụng ở bệnh nhân sau ăn từ 1 đến 2 tiếng
- Than hoạt tính
Với tác dụng trung hòa một số loại độc chất từ thực phẩm và ngăn chặn sự hấp thu độc chất vào dạ dày, than hoạt tính được sử dụng phổ biến như một cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà.
Than hoạt tính
- Kháng sinh
Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, cần phải sử dụng thêm một số loại thuốc kháng sinh. Cần đến cơ sở y tế để thăm khám bệnh và được bác sĩ kê toa sử dụng kháng sinh rõ ràng.
2. Lưu ý gì trong khi chăm sóc người ngộ độc thực phẩm tại nhà an toàn và hiệu quả
2.1. Giữ gìn vệ sinh, tránh lây nhiễm
– Người bệnh cần giữ sạch tay trước và sau khi đi vệ sinh.
– Vệ sinh toilet sạch sẽ sau khi người bệnh sử dụng để tránh lây nhiễm.
– Trường hợp, ngộ độc tập thể xảy ra, cần chia dung dịch Oresol riêng cho từng người, không uống chung để tránh người bị ngộ độc nhẹ có thể chuyển biến nghiêm trọng hơn.
2.2. Khi chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà cần theo dõi gì ở người bệnh?
Cần ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc nhưng không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể.
Trong lúc gây nôn cần lưu ý:
– Nếu người bệnh nằm nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi. Không để người bệnh nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong do sặc hoặc ngạt thở.
– Đối với trẻ em, người hỗ trợ cần thực hành động tác gây nôn khéo léo tránh gây trầy xước cổ họng trẻ. Phải để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.
– Đối với người đã rơi vào trạng thái hôn mê thì tuyệt đối không điều trị ngộ độc thức ăn bằng kích nôn vì dễ gây sặc, ngạt thở. Cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc.
Người bệnh hoặc người chăm sóc nên theo dõi số lần đi tiêu có giảm dần theo thời gian hay không? Hiện tượng phân lỏng, tiêu chảy có được cải thiện hay không?
Theo dõi thể trạng của người bệnh để đảm bảo việc chữa ngộ độc thức ăn tại nhà mang lại hiệu quả.
3. Khi nào cần đưa đưa người ngộ độc thực phẩm đến bệnh viện?
Khi có dấu hiệu nặng cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời
Người bệnh khi được điều trị ngộ độc thức ăn tại nhà nhưng có các dấu hiệu chuyển biến nặng sau cần được đưa đến cơ sở y tế:
– Đại tiện ra máu, phân có máu.
– Nôn mửa quá nhiều.
– Người bị ngộ độc thực phẩm có biểu hiện sốt cao.
– Người bệnh có các dấu hiệu mất nước bao gồm: đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, miệng và cổ họng rất khô hoặc cảm thấy chóng mặt khi đứng lên.
– Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày trở lên.
Ngộ độc thực phẩm là vấn đề sức khỏe khá phổ biến và có thể khỏi hoàn toàn mà không cần tới thăm khám bác sĩ. Hy vọng những thông tin trên giúp bạn có thêm cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà an toàn hiệu quả.
Lưu Thị Bảo Yến