Khi bé bị tiêu chảy, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe cho trẻ rất quan trọng. Không những vậy trẻ ăn gì cũng góp phần không nhỏ giúp trẻ sớm hết tiêu chảy. Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho cha mẹ những cách nấu cháo cho bé bị tiêu chảy vừa ngon vừa bổ.
Vì sao khi bé bị tiêu chảy nên ăn cháo?
Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài, nếu không được điều trị và bổ sung dinh dưỡng đúng cách trẻ có thể bị mất nước, nguy hiểm tính mạng.
Do vậy, để trẻ khỏi bệnh và phục hồi nhanh sau tiêu chảy, cũng như tránh tình trạng suy dinh dưỡng, mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên cho bé bị tiêu chảy ăn những món ăn mềm, nhất là cháo. Lý do cháo tốt cho trẻ tiêu chảy gồm:
- Dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa
- Giàu dinh dưỡng khi mẹ có thể phối hợp được nhiều thực phẩm khác như rau củ quả, thịt nạc,…
- Một cách thức bù nước cho trẻ ngoài biện pháp uống nước nên mẹ lưu ý nấu cháo loãng hơn bình thường một chút.
Mẹ nên cho trẻ ăn cháo ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Trường hợp mẹ cho trẻ ăn cháo nấu sẵn thì cần đun lại trước khi cho trẻ ăn.
Những món cháo tốt cho bé bị tiêu chảy
Cháo bí đỏ, thịt gà
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ: 80g
- Bí đỏ: 50g
- Thịt gà: 50g
- Gia vị: muối, 2 muỗng cà phê dầu ăn dinh dưỡng, 300ml nước dùng.
Thực hiện:
- Thịt gà băm nhỏ, cho khoảng 2-3 thìa cà phê nước lọc vào tán đều
- Bí đỏ thái miếng hấp chín và tán nhuyễn
- Cho gạo tẻ và nước vào nồi nấu thành cháo, sau đó cho thịt gà, bí đỏ vào nấu chín. Thêm muối vào cháo cho vừa ăn.
- Khi cháo chín mẹ múc cháo ra tô cho thêm 2 thìa dầu ăn dinh dưỡng vào quấy đều và cho trẻ ăn khi cháo còn ấm.
Nếu trẻ không thích ăn thịt gà mẹ cũng có thể thay thịt gà bằng thịt lợn nạc băm nhỏ.
Xem thêm: Suy dinh dưỡng – hậu quả nặng nề khi bé bị tiêu chảy
Cháo hạt sen
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ: 50g
- Hạt sen: 100g
- Củ mài 50g
- Quả hồng xiêm non 15 g
- Đường phèn: 20g
Thực hiện:
- Quả hồng xiêm giã dập, đun sôi kỹ với 250 ml nước, lọc lấy nước và bỏ bã
- Gạo tẻ, hạt sen, củ mài, sấy khô, tán thành bột cho vào nước hồng xiêm khuấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín, cho đường phèn vào đun đến khi đường tan hết là xong.
- Mẹ có thể chia làm 3 bữa cho trẻ ăn liền khi còn nóng. Mẹ có thể cho bé ăn liền 2-3 ngày món sẽ giúp ngưng tiêu chảy hiệu quả.
Lưu ý nhỏ: Hạt sen bóc vỏ, mẹ có thể bỏ tâm sen bằng cách dùng tăm không nhọn đẩy ngược từ dưới hạt sen lên, tâm sen sẽ trồi ra ngoài. Như vậy khi nấu cháo không bị đắng, trẻ sẽ dễ ăn hơn.
Cháo rau sam
Nguyên liệu:
- Gạo: 30g
- Rau sam: 90g
- Quả hồng xiêm non: 10g
Thực hiện:
- Rau sam, quả hồng xiêm non co vào nồi, đổ 250ml nước đun sôi kỹ rồi lọc qua rây lấy nước, bỏ bã.
- Gạo xay thành bột cho vào nước rau trên quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín mẹ có thể cho thêm chút nước mắm vào cho vừa ăn.
- Mẹ nên cho trẻ ăn 2 lần 1 ngày khi cháo còn nóng
Cháo gừng
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ: 50g
- Gừng tươi: 50g
Thực hiện:
- Gừng mẹ rửa sạch thái nhỏ hoặc xay nhuyễn
- Cho gừng đã chuẩn bị và gạo vào nồi thêm nước vào nấu chín thành cháo
Mẹ nên cho bé ăn khi cháo còn nóng. Gừng có tác dụng làm ấm bụng, trị tiêu chảy nên sẽ giúp trẻ giảm tình trạng tiêu chảy nhanh chóng.
Một số món khác cho bé bị tiêu chảy
- Nước cháo muối: Dùng một nắm gạo,một nhúm muối nhỏ cho vào nồi cùng với 6 bát ăn cơm nước sạch đun nhừ, lọc lấy nước cho trẻ uống dần.
- Nước gạo rang muối: 50g gạo đem rang vàng, sau đó thêm 6 bát ăn cơm nước sạch vào đun nhừ, thêm muối cho vừa vặn. Khi cháo nhừ lọc lấy nước cho trẻ uống dần.
- Nước chuối hoặc nước hồng xiêm: mẹ xay hoặc nghiền nát 5 quả chuối hoặc hồng xiêm với 1 lít nước đun sôi để nguội. Sau đó cho 1 thìa cà phê muối ăn, cho trẻ uống dần.
- Súp cà rốt muối: Mẹ rửa sạch khoảng 500g cà rốt nấu nhừ hoặc cho vào máy xay nhuyễn rồi nấu chín, cho muối ăn vừa vặn rồi để bé uống dần.
Xem thêm: Bé bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì? – Thầy Thuốc Việt Nam
Lưu ý cho mẹ khi cho bé ăn cháo
- Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt nhưng không được bắt ép nếu trẻ không muốn. Thay vào đó mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều lần trong ngày.
- Thay đổi món liên tục giúp trẻ không bị chán ăn
- Sau khi trẻ hết tiêu chảy, cho trẻ ăn bình thường trở lại, nghĩa là khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng là bột, đường, chất béo, đạm, vitamin và muối khoáng. Điều này sẽ giúp cơ thể bé tránh tình trạng suy dinh dưỡng và phục hồi nhanh hơn.
BS Nguyễn Nga
Nội khoa Việt Nam